Skip Ribbon Commands
Skip to main content
Nếp sống văn minh đô thịThứ 7, Ngày 07/08/2021, 14:40

LAN TỎA TINH THẦN ĐOÀN KẾT PHÒNG, CHỐNG DỊCH BỆNH COVID-19

 

“Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết

Thành công, thành công, đại thành công”

Đây là lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh đối với toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ta, được trích trong bài nói chuyện tại Đại hội đại biểu Mặt trận Tổ quốc Việt Nam lần thứ II, năm 1961. Tinh thần đoàn kết một lòng luôn thể hiện sâu sắc trong suốt chiều dài lịch sử của dân tộc ta, tạo nên sức mạnh vô địch, chiến đấu và chiến thắng mọi kẻ thù. Hiện nay, đoàn kết thể hiện ở sự thống nhất trong toàn Đảng, các cấp, các ngành, các địa phương nhằm thực hiện công cuộc đổi mới xây dựng và phát triển đất nước, bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. 

Những ngày qua, trước tình hình dịch bệnh COVID-19 đang hoành hành ở hầu khắp các quốc gia trên thế giới và diễn biến phức tạp ở Việt Nam, chúng ta lại thấy ở các địa bàn trong toàn quốc, từ thành thị đến nông thôn, từ biên giới ra hải đảo luôn sáng lên tinh thần đoàn kết chống dịch trong bức tranh tối màu và u ám của đại dịch đã rất lâu mới xuất hiện trên quy mô toàn cầu.

Tinh thần đoàn kết thể hiện qua sự hưởng ứng của các cơ quan, đoàn thể và nhân dân trong thực hiện chủ trương, đường lối “chống dịch như chống giặc”, ngay từ đầu Đảng và Nhà nước ta đã nhận thức sâu sắc mức độ nghiêm trọng của đại dịch COVID-19 và sẵn sàng chấp nhận tốc độ tăng trưởng kinh tế có thể chậm lại khi thực hiện các biện pháp mạnh mẽ nhằm ngăn chặn dịch lây lan trong cộng đồng. Sự lựa chọn này xuất phát từ tính ưu việt của chế độ xã hội chủ nghĩa đã và đang xây dựng ở nước ta dưới sự lãnh đạo của Đảng. Hiện nay, cả hệ thống chính trị và toàn dân đang đoàn kết một lòng thực hiện nghiêm túc chủ trương cách ly xã hội theo tinh thần Chỉ thị số 16-CT/TTg, ngày 31/3/2020 của Thủ tướng Chính phủ về các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch COVID-19.

Tinh thần đoàn kết thể hiện qua sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan, đơn vị chức năng trên tuyến đầu và cả ở hậu phương trong chiến dịch phòng, chống COVID-19. Đó là sự đoàn kết của đội ngũ chiến binh áo trắng không quản ngại hiểm nguy, có thể lây nhiễm bất cứ lúc nào để chăm sóc, cứu chữa cho các bệnh nhân, tổ chức xét nghiệm và cách ly những người nghi nhiễm. Phối hợp hiệp đồng với đội ngũ y bác sĩ là lực lượng Quân đội nhân dân, Công an nhân dân, các cơ quan thông tin truyền thông, các ban, ngành, đoàn thể quần chúng và các lực lượng khác có liên quan đang ngày đêm thực hiện nhiệm vụ tại các chốt gác, khu vực cách ly ở khắp các tuyến, địa bàn trong cả nước.

Tinh thần đoàn kết thể hiện qua những nghĩa cử cao đẹp của đội ngũ cán bộ trong các cơ quan nhà nước, các tổ chức doanh nghiệp và các cá nhân đã chung tay đóng góp; người nhiều, người ít tổng cộng hàng trăm tỷ đồng và nhiều loại thiết bị y tế cần thiết như khẩu trang, máy thở, quần áo bảo hộ y tế... Ngày ngày, lại có những tấm gương nhân ái, người tốt, việc tốt ở khắp các địa bàn, được đưa tin trên các phương tiện thông tin đại chúng, thể hiện sự đoàn kết trong phòng, chống dịch bệnh, nào như: Gói hỗ trợ của Chính phủ trong phòng, chống dịch bệnh trị giá hàng trăm nghìn tỷ đồng; các ngân hàng giảm lãi suất để hỗ trợ các doanh nghiệp, hộ kinh doanh; hình thành các điểm tặng thực phẩm hàng ngày với khẩu hiệu “Ai cần cứ đến lấy, nếu khó khăn hãy cứ đến lấy, hãy lấy một gói mì tôm mỗi ngày”; thành lập các điểm phát khẩu trang miễn phí; nhắn tin ủng hộ quỹ phòng, chống dịch COVID-19... Phải thấy rằng đây là những việc làm hết sức có ý nghĩa, thể hiện tinh thần đại đoàn kết dân tộc, tương thân tương ái. Càng trân trọng hơn khi các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân đó cũng đang phải đối mặt với những khó khăn nhất định trong bối cảnh đại dịch lây lan toàn cầu. 

Tinh thần đoàn kết của dân tộc Việt Nam đã lan tỏa và vượt ra ngoài biên giới để cùng chung sức với cộng đồng quốc tế trong nỗ lực phòng, chống dịch bệnh COVID-19. Mặc dù còn khó khăn nhưng Việt Nam đã có những hành động hết sức thiết thực, điển hình như tham gia ủng hộ tiền, vật tư y tế, khẩu trang cho các nước láng giềng là Trung Quốc, Lào, Campuchia để phòng, chống dịch. Đồng thời, tích cực phối hợp với cơ quan chức năng các nước trong vấn đề bảo hộ công dân nước ngoài ở Việt Nam và công dân Việt Nam ở nước ngoài liên quan đến phòng, chống dịch bệnh. Những ngày qua, liên tục các trường hợp người nước ngoài ở Việt Nam dương tính với vi rút SARS-CoV-2 được điều trị và chữa khỏi. Những người này đã cảm ơn sự quan tâm giúp đỡ, chữa trị của Chính phủ và nhân dân Việt Nam, đồng thời cảm thấy may mắn khi trong những ngày dịch bùng phát họ được có mặt ở Việt Nam, điều đó cũng đồng nghĩa với việc tính mạng và sức khỏe của họ được bảo đảm hơn. Bên cạnh đó, với kết quả đạt được rất đáng khích lệ đến thời điểm hiện tại, Việt Nam đã và đang chia sẻ những kinh nghiệm quý rút ra nhằm giúp các nước tham khảo nhằm nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống dịch bệnh.

Hình ảnh những đoàn cán bộ, y sĩ, bác sĩ miền Bắc, miền Trung lên đường chi viện cho các địa phương phía Nam phòng, chống dịch Covid-19; hay các mẹ, các em nhỏ ở Huế, Quảng Bình, Nghệ An... người góp gạo, góp lợn, bí, khoai, ngô... để giúp đồng bào các địa phương phía Nam vượt qua đợt khó khăn, thực sự là những việc làm lan tỏa mạnh mẽ tinh thần đoàn kết, tương trợ lẫn nhau của người dân đất Việt trong thiên tai, dịch bệnh.

Để chung tay cùng các tỉnh, thành phố phía Nam đẩy lùi, chiến thắng “giặc Covid-19”, hơn lúc nào hết, cơ quan, ban, ngành ở Trung ương và cấp ủy, chính quyền hậu phương lớn các tỉnh miền Bắc, các địa phương nằm trong “vùng xanh an toàn” cần đẩy mạnh hoạt động lao động, sản xuất, bảo đảm nguồn cung hàng hóa, nhu yếu phẩm đầy đủ, dồi dào và vận chuyển kịp thời đến các tỉnh, thành phố phía Nam phục vụ đời sống người dân. Tuyệt đối không để tình trạng thừa, thiếu cục bộ kéo dài, hoặc ứ đọng, không kịp thời vận chuyển, phân phối hàng hóa, nhu yếu phẩm đến nơi có nhu cầu sử dụng và người dân. Các địa phương, các ngành chức năng cần rà soát, bảo đảm những hoạt động giao thông vận tải thuận tiện, thông suốt giữa các địa phương, nhất là đối với các phương tiện vận chuyển hàng hóa thiết yếu phục vụ đời sống nhân dân, phục vụ các hoạt động sản xuất, kinh doanh, xuất khẩu, góp phần phát triển kinh tế-xã hội. Tăng năng suất lao động ở các địa phương chưa có dịch cũng là để tạo tiềm lực về kinh tế, bù đắp lại những thiếu hụt do dịch gây ra đối với các cơ sở sản xuất ở các địa phương phía Nam, tạo đà cho đất nước phát triển ổn định.

Vì miền Nam chống dịch, mỗi người dân trong cả nước cần nâng cao hơn nữa ý thức trong phòng, chống dịch; bảo đảm tuân thủ nghiêm ngặt các quy định theo khuyến cáo của Bộ Y tế, tránh làm lây lan dịch bệnh ra cộng đồng. Đối với các tổ chức, cá nhân có tấm lòng thiện nguyện, ủng hộ, chung tay hướng về miền Nam, cần chủ động liên hệ với cấp ủy, chính quyền địa phương nhằm trao đổi, thống nhất hình thức hỗ trợ, tránh những “ồn ào” không đáng có trong lúc cả miền Nam đang căng mình phòng, chống dịch.

Hy vọng, với những tấm lòng, sẻ chia vì đồng bào các tỉnh phía Nam, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, TP Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành phố phía Nam sẽ sớm trở lại hoạt động trong trạng thái bình thường mới. Như vậy, có thể thấy tinh thần đoàn kết dân tộc đã và đang được khơi dậy và phát huy cao độ những ngày qua trong nỗ lực phòng, chống dịch bệnh COVID-19 và sẽ tiếp tục được phát huy trong thời gian tới, nhất định dịch bệnh sẽ được ngăn chặn và đẩy lùi. 

T.H


Số lượt người xem: 41Bản in Quay lại
Xem theo ngày: