Skip Ribbon Commands
Skip to main content
Kinh tếThứ 2, Ngày 07/06/2010, 16:30

Những điều cần biết về luật quản lý thuế(tiếp theo )

 
HỏI : Cơ quan thuế, công chức quản lý thuế phải có trách nhiệm gì trong việc tiếp nhận hồ sơ khai thuế ?
 

ĐÁP : Tại Điều 35 Luật quản lý thuế quy định việc tiếp nhận hồ sơ khai thuế của cơ quan thuế, công chức quản lý thuế như sau:
 

1. Đối với hồ sơ khai thuế được nộp trực tiếp tại cơ quan thuế, công chức thuế tiếp nhận và đóng dấu tiếp nhận hồ sơ, ghi thời gian nhận hồ sơ, ghi nhận số lượng tài liệu trong hồ sơ.
 

Hồ sơ khai thuế đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu được nộp trực tiếp tại cơ quan hải quan, công chức hải quan tiếp nhận hồ sơ, kiểm tra, đăng ký hồ sơ khai thuế; nếu không chấp nhận đăng ký hồ sơ, công chức hải quan thông báo ngay lý do cho người nộp thuế.
 

2. Đối với hồ sơ khai thuế được gửi qua đường bưu chính, công chức thuế đóng dấu ghi ngày nhận hồ sơ và ghi vào sổ văn thư của cơ quan thuế.
 

3. Trường hợp hồ sơ khai thuế được nộp thông qua giao dịch điện tử, việc tiếp nhận, kiểm tra, chấp nhận hồ sơ khai thuế do cơ quan quản lý thuế thực hiện thông qua hệ thống xử lý dữ liệu điện tử. Chương trình tiếp nhận hồ sơ khai thuế điện tử được cài đặt sẵn sẽ tự động kiểm tra, soát xét tính đầy đủ, hợp lý của các thông tin khai trong hồ sơ thuế. Người nộp thuế sẽ biết được ngay các lỗi kê khai để hoàn chỉnh, bổ sung hồ sơ kịp thời.
 

4. Trường hợp hồ sơ khai thuế chưa đầy đủ theo quy định, trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ ngày tiếp nhận hồ sơ, cơ quan thuế phải thông báo bằng văn bản cho người nộp thuế để hoàn chỉnh hồ sơ.

 

HỏI : Khi nào người nộp thuế theo phương pháp kê khai sẽ bị ấn định số thuế phải nộp ? Các căn cứ để ấn định thuế ?
 

ĐÁP : Tại Điều 37 Luật quản lý thuế quy định:
 

1. Người nộp thuế theo phương pháp kê khai bị ấn định thuế trong các trường hợp sau đây:
 

a. Không đăng ký thuế;
 

b. Không nộp hồ sơ khai thuế; nộp hồ sơ khai thuế sau 10 ngày, kể từ ngày hết hạn nộp hồ sơ khai thuế hoặc ngày hết thời hạn gia hạn nộp hồ sơ khai thuế;
 

c. Không khai thuế, không nộp bổ sung hồ sơ khai thuế theo yêu cầu của cơ quan thuế hoặc khai thuế không chính xác, trung thực, đầy đủ về căn cứ tính thuế;
 

d. Không phản ảnh hoặc phản ảnh không đầy đủ, trung thực, chính xác số liệu trên sổ kế toán để xác định nghĩa vụ thuế;
 

đ. Không xuất trình sổ kế toán, hóa đơn, chứng từ và các tài liệu cần thiết liên quan đến việc xác định số thuế phải nộp trong thời gian quy định;
 

e. Mua, bán, trao đổi và hạch toán giá trị hàng hóa, dịch vụ không theo giá trị thông thường trên thị trường;
 

g. Có dấu hiệu bỏ trốn hoặc phát tán tài sản để không thực hiện nghĩa vụ thuế.
 

2. Các căn cứ tính thuế, bao gồm:
 

a. Cơ sở dữ liệu của cơ quan thuế;
 

b. So sánh số thuế phải nộp của cơ sở kinh doanh cùng mặt hàng, ngành nghề, quy mô;
 

c. Tài liệu và kết quả kiểm tra, thanh tra còn hiệu lực.

 

HỏI : Trong trường hợp nào cơ quan thuế xác định số thuế phải nộp đối với hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh theo phương pháp khoán thuế ?
 

ĐÁP : Tại Điều 38 Luật quản lý thuế quy định các cơ quan thuế phải xác định số thuế phải nộp theo phương pháp khoán thuế (mức thuế khoán) trong những trường hợp sau đây:
 

a. Hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh không thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ chế độ kế toán, hóa đơn, chứng từ;
 

b. Hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh không có đăng ký kinh doanh, không đăng ký thuế.

 

HỏI : Mức khoán thuế được Luật xác định như thế nào ?
 

ĐÁP : Tại Điều 38 Luật quản lý thuế quy định:
 

1. Cơ quan thuế căn cứ vào tài liệu kê khai của hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh, cơ sở dữ liệu của cơ quan thuế, ý kiến của Hội đồng tư vấn thuế xã, phường, thị trấn để xác định mức thuế khoán.
 

2. Mức thuế khoán được tính theo năm dương lịch và phải được công khai trong địa bàn xã, phường, thị trấn. Trường hợp có thay đổi ngành, nghề, quy mô kinh doanh, người nộp thuế phải khai báo với cơ quan thuế để điều chỉnh mức thuế khoán.
 

3. Bộ Tài chính hướng dẫn cụ thể việc xác định mức thuế khoán đối với hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh.

 

Hỏi : Cơ quan thuế có trách nhiệm như thế nào trong việc ấn định thuế ?
 

ĐÁP : Tại Điều 26 Luật quản lý thuế quy định trách nhiệm của cơ quan quản lý thuế trong việc ấn định thuế như sau:
 

1. Cơ quan quản lý thuế thông báo bằng văn bản cho người nộp thuế về lý do ấn định thuế, căn cứ ấn định thuế, số thuế ấn định, thời gian nộp tiền thuế.
 

2. Trường hợp số thuế ấn định của cơ quan quản lý thuế lớn hơn số thuế phải nộp thì cơ quan quản lý thuế phải hoàn trả lại số tiền thuế nộp thừa và bồi thường thiệt hại theo quyết định giải quyết khiếu nại của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền hoặc bản án, quyết định của Tòa án.

 

HỏI : Người nộp thuế có trách nhiệm như thế nào trong việc nộp số thuế ấn định ?
 

ĐÁP : Tại Điều 41 Luật quản lý thuế quy định: Người nộp thuế phải nộp số thuế ấn định theo thông báo của cơ quan quản lý thuế. Trường hợp không đồng ý với số thuế do cơ quan quản lý thuế ấn định thì người nộp thuế vẫn phải nộp số thuế đó, đồng thời có quyền yêu cầu cơ quan quản lý thuế giải thích hoặc khiếu nại, khởi kiện về việc ấn định thuế.
(còn tiếp)
 
 
 
 


Số lượt người xem: 356Bản in Quay lại
Xem theo ngày: