Skip Ribbon Commands
Skip to main content
Kinh tếThứ 2, Ngày 07/06/2010, 16:25

Những điều cần biết về luật quản lý thuế (tiếp theo)

 
HỏI : Người nộp thuế phải thực hiện nghĩa vụ nộp thuế trong thời hạn quy định như thế nào ?
 

ĐÁP : Tại Điều 42 Luật quản lý thuế quy định thời hạn nộp thuế như sau:
 

1. Trường hợp người nộp thuế tính thuế, thời hạn nộp thuế chậm nhất là ngày cuối cùng của thời hạn nộp hồ sơ khai thuế.
 

2. Trường hợp cơ quan quản lý thuế tính thuế hoặc ấn định thuế, thời hạn nộp thuế là thời hạn ghi trên thông báo của cơ quan quản lý thuế.
 

3. Đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu:
 

a. Đối với hàng hóa xuất khẩu là ba mươi ngày, kể từ ngày đăng ký tờ khai hải quan;
 

b. Đối với hàng hóa nhập khẩu là hàng tiêu dùng phải nộp xong thuế trước khi nhận hàng; trường hợp có bảo lãnh về số tiền thuế phải nộp thì thời hạn nộp thuế không quá ba mươi ngày, kể từ ngày đăng ký tờ khai hải quan;
 

c. Đối với hàng hóa nhập khẩu là vật tư, nguyên liệu để sản xuất hàng hóa xuất khẩu là hai trăm bảy lăm ngày, kể từ ngày đăng ký tờ khai hải quan; trường hợp đặc biệt thì thời hạn nộp thuế có thể dài hơn hai trăm bảy lăm ngày phù hợp với chu kỳ sản xuất, dự trữ vật tư, nguyên liệu của doanh nghiệp theo quy định của Chính phủ;
 

d. Đối với hàng hóa kinh doanh theo phương thức tạm nhập, tái xuất hoặc tạm xuất, tái nhập là mười lăm ngày, kể từ ngày hết thời hạn tạm nhập, tái xuất hoặc tạm xuất, tái nhập;
 

đ. Đối với hàng hóa khác là ba mươi ngày, kể từ ngày đăng ký tờ khai hải quan;
 

e. Trường hợp hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu bị tạm giữ để chờ xử lý của cơ quan hải quan hoặc của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền thì thời hạn nộp thuế quy định tại các điểm a, b, c, d và đ khoản này được tính từ ngày ra quyết định xử lý.
 

4. Để được áp dụng thời hạn nộp thuế theo quy định tại các điểm c, d và đ khoản 3 điều này, người nộp thuế phải đáp ứng một trong hai điều kiện sau:
 

a. Có hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu trong thời gian ít nhất là ba trăm sáu lăm ngày tính đến ngày đăng ký tờ khai hải quan mà không có hành vi gian lận thương mại, trốn thuế, không nợ tiền thuế quá hạn, tiền phạt, chấp hành tốt các chế độ báo cáo tài chình theo quy định của pháp luật;
 

b. Được tổ chức tín dụng hoặc tổ chức khác hoạt động theo quy định của Luật các tổ chức tín dụng bảo lãnh thực hiện nghĩa vụ nộp thuế.
 

Trường hợp không đáp ứng một trong hai điều kiện trên thì người nộp thuế phải nộp thuế trước khi nhận hàng.
 

5. Trong trường hợp được tổ chức tín dụng hoặc tổ chức khác hoạt động theo quy định của Luật các tổ chức tín dụng bảo lãnh về số tiền thuế phải nộp thì thời hạn nộp thuế được thực hiện theo thời hạn bảo lãnh nhưng không quá thời hạn nộp thuế theo quy định tại các khoản 1, 2 và 3 điều này. Hết thời hạn bảo lãnh hoặc thời hạn nộp thuế mà người nộp thuế chưa nộp thuế thì tổ chức bảo lãnh có trách nhiệm nộp số tiền thuế và tiền phạt chậm nộp thay cho người nộp thuế.

 

HỏI : Trường hợp người nộp thuế vừa có tiền thuế nợ, tiền thuế truy thu, tiền thuế phát sinh, tiền phạt thì việc thanh toán được thực hiện theo trình tự như thế nào? Căn cứ xác định ngày đã nộp thuế ?
 

ĐÁP : Tại Điều 45 Luật quản lý thuế quy định thứ tự thanh toán tiền thuế, tiền phạt như sau:
 

Trường hợp người nộp thuế vừa có tiền thuế nợ, tiền thuế truy thu, tiền thuế phát sinh, tiền phạt thì việc thanh toán được thực hiện theo trình tự như sau: Tiền nợ thuế; tiền thuế truy thu; tiền thuế phát sinh và tiền phạt.
Theo Điều 46 Luật quản lý thuế thì ngày đã nộp thuế được xác định là ngày:
 

- Kho bạc Nhà nước, ngân hàng thương mại, tổ chức tín dụng khác hoặc tổ chức dịch vụ xác nhận trên chứng từ nộp thuế của người nộp thuế trong trường hợp nộp thuế bằng chuyển khoản.
 

- Kho bạc Nhà nước, cơ quan quản lý thuế hoặc tổ chức được cơ quan quản lý thuế ủy nhiệm thu thuế cấp chứng từ thu tiền thuế đối với trường hợp nộp tiền thuế trực tiếp bằng tiền mặt.

 

HỏI : Khi người nộp thuế có số tiền thuế đã nộp lớn hơn số tiền thuế phải nộp thì số tiền thuế nộp thừa được xử lý như thế nào ?
 

ĐÁP : Tại Điều 47 Luật quản lý thuế quy định việc xử lý số thuế nộp thừa như sau:
 

Người nộp thuế có số tiền thuế đã nộp lớn hơn số tiền thuế phải nộp đối với từng loại thuế thì được trừ vào tiền thuế phải nộp của lần nộp thuế tiếp theo hoặc được trả lại số tiền thuế nộp thừa.
 

Trường hợp người nộp thuế có yêu cầu trả lại số tiền thuế nộp thừa thì cơ quan quản lý thuế phải ra quyết định trả lại số tiền thuế nộp thừa trong thời hạn năm ngày làm việc, kể từ ngày nhận được văn bản yêu cầu.

 

HỏI : Việc hoàn thành nghĩa vụ nộp thuế trong trường hợp doanh nghiệp giải thể, phá sản, chấm dứt hoạt động được thực hiện như thế nào ?
 

ĐÁP : Tại Điều 54 Luật quản lý thuế quy định:
 

1. Việc hoàn thành nghĩa vụ nộp thuế trong trường hợp doanh nghiệp giải thể được thực hiện theo quy định của Luật doanh nghiệp.
 

2. Việc hoàn thành nghĩa vụ nộp thuế trong trường hợp doanh nghiệp phá sản được thực hiện theo trình tự, thủ tục quy định tại Luật phá sản.
 

3. Doanh nghiệp chấm dứt hoạt động chưa hoàn thành nghĩa vụ nộp thuế thì phần thuế nợ còn lại do chủ sở hữu doanh nghiệp chịu trách nhiệm nộp.
 

4. Hộ gia đình, cá nhân chấm dứt hoạt động kinh doanh chưa hoàn thành nghĩa vụ nộp thuế thì phần thuế nợ còn lại do chủ hộ gia đình, cá nhân chịu trách nhiệm nộp.
(còn tiếp)
 
 


Số lượt người xem: 274Bản in Quay lại
Xem theo ngày: