Skip Ribbon Commands
Skip to main content
Kinh tếThứ 2, Ngày 07/06/2010, 16:25

Những điều cần biết về luật quản lý thuế (tiếp theo)

 
HỏI : Ai là người kế thừa việc hoàn thành nghĩa vụ nộp thuế trong trường hợp cá nhân được xem là đã chết, người mất năng lực hành vi dân sự hoặc người mất tích theo quy định của pháp luật ?
 

ĐÁP : Tại Điều 56 Luật quản lý thuế quy định:
 

1. Việc hoàn thành nghĩa vụ nộp thuế của người được pháp luật xem là đã chết do người được thừa kế thực hiện trong phần tài sản của người đã chết để lại hoặc phần tài sản người thừa kế được chia tại thời điểm nhận thừa kế. Trong trường hợp không có người thừa kế hoặc tất cả những người thuộc hàng thừa kế không nhận thừa kế tài sản thì việc hoàn thành nghĩa vụ nộp thuế của người đã chết thực hiện theo quy định của pháp luật dân sự.
 

2. Việc hoàn thành nghĩa vụ nộp thuế của người mất tích hoặc người mất năng lực hành vi dân sự theo quy định của pháp luật do người quản lý tài sản của người mất tích hoặc người mất năng lực hành vi dân sự thực hiện trong phần tài sản của người đó.
 

3. Trường hợp cơ quan Nhà nước có thẩm quyền hủy bỏ quyết định tuyên bố một người là đã chết, mất tích hoặc mất năng lực hành vi dân sự thì số tiền thuế nợ đã xóa theo quy định tại Điều 65 của Luật này được phục hồi lại, nhưng không bị tính tiền phạt chậm nộp cho thời gian bị xem là đã chết, mất tích hoặc mất năng lực hành vi dân sự.

 

HỏI : Cơ quan quản lý thuế thực hiện hoàn thuế đối với trường hợp nào ?
 

ĐÁP : Tại Điều 57 Luật quản lý thuế quy định, cơ quan quản lý thuế thực hiện hoàn thuế đối với các trường hợp sau:
 

1. Tổ chức, cá nhân thuộc diện được hoàn thuế giá trị gia tăng theo quy định của Luật thuế giá trị gia tăng.
 

2. Tổ chức, cá nhân thuộc diện được hoàn thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu theo quy định của Luật thuế xuất khẩu, nhập khẩu.
 

3. Tổ chức, cá nhân thuộc diện được hoàn thuế thu nhập cá nhân theo quy định của pháp luật về thuế thu nhập cá nhân.
 

4. Tổ chức, cá nhân thuộc diện được hoàn thuế tiêu thụ đặc biệt theo quy định của Luật thuế tiêu thụ đặc biệt.
 

5. Tổ chức, cá nhân thuộc diện được hoàn thuế khác có số tiền thuế đã nộp vào ngân sách Nhà nước lớn hơn số tiền thuế phải nộp.

 

HỏI : Để được hoàn thuế, tổ chức, cá nhân cần có những hồ sơ gì ?
 

ĐÁP : Điều 58 Luật quản lý thuế quy định:
 

Hồ sơ hoàn thuế bao gồm:
 

1. Văn bản yêu cầu hoàn thuế;
 

2. Chứng từ nộp thuế;
 

3. Các tài liệu khác liên quan đến yêu cầu hoàn thuế.
 

Hồ sơ hoàn thuế được nộp tại cơ quan quản lý trực tiếp hoặc tại cơ quan hải quan có thẩm quyền hoàn thuế.

 

HỏI : Cơ quan quản lý thuế, công chức quản lý thuế có trách nhiệm gì trong việc tiếp nhận hồ sơ hoàn thuế ?
 

ĐÁP : Theo Điều 59 Luật quản lý thuế, thì trách nhiệm của cơ quan quản lý thuế, công chức quản lý thuế trong việc tiếp nhận hồ sơ hoàn thuế như sau:
 

1. Trường hợp hồ sơ hoàn thuế được nộp trực tiếp tại cơ quan quản lý thuế, công chức quản lý thuế tiếp nhận và đóng dấu tiếp nhận hồ sơ, ghi thời gian nhận hồ sơ, ghi nhận số lượng tài liệu trong hồ sơ.
 

2. Trường hợp hồ sơ hoàn thuế được gửi qua đường bưu chính, công chức quản lý thuế đóng dấu ghi ngày nhận hồ sơ và ghi số văn thư của cơ quan quản lý thuế.
 

3. Trường hợp hồ sơ hoàn thuế được nộp thông qua giao dịch điện tử thì việc tiếp nhận, kiểm tra, chấp nhận hồ sơ hoàn thuế do cơ quan quản lý thuế thực hiện thông qua hệ thống xử lý dữ liệu điện tử.
 

4. Trường hợp hồ sơ hoàn thuế chưa đầy đủ, trong thời hạn ba ngày làm việc, kể từ ngày tiếp nhận hồ sơ, cơ quan quản lý thuế phải thông báo cho người nộp thuế để hoàn chỉnh hồ sơ.

 

HỏI : Cơ quan quản lý thuế có trách nhiệm gì trong việc giải quyết hồ sơ hoàn thuế ?
 

ĐÁP : Tại Điều 60 Luật quản lý thuế quy định:
 

1. Việc phân loại hồ sơ hoàn thuế được quy định như sau:
 

a. Hồ sơ thuộc diện hoàn thuế trước, kiểm tra sau là hồ sơ của người nộp thuế có quá trình chấp hành tốt pháp luật về thuế và các giao dịch được thanh toán qua ngân hàng thương mại hoặc tổ chức tín dụng khác.
 

Chính phủ quy định cụ thể việc phân loại hồ sơ thuộc diện hoàn thuế trước, kiểm tra sau;
 

b. Hồ sơ không thuộc diện quy định tại điểm a khoản này thì thuộc diện kiểm tra trước hoàn thuế sau.
 

2. Đối với hồ sơ thuộc diện hoàn thuế trước, kiểm tra sau thì chậm nhất là mười lăm ngày, kể từ ngày nhận được hồ sơ hoàn thuế, cơ quan quản lý thuế phải quyết định hoàn thuế hoặc thông báo về việc chuyển hồ sơ sang diện kiểm tra trước, hoàn thuế sau hoặc thông báo lý do không hoàn thuế.
 

3. Đối với hồ sơ thuộc diện kiểm tra trước, hoàn thuế sau thì chậm nhất là sáu mươi ngày, kể từ ngày nhận được đủ hồ sơ hoàn thuế, cơ quan quản lý thuế phải quyết định hoàn thuế hoặc thông báo lý do không hoàn thuế.
 

4. Quá thời hạn quy định trên, nếu việc chậm ra quyết định hoàn thuế do lỗi của cơ quan quản lý thuế thì ngoài số tiền thuế phải hoàn, cơ quan quản lý thuế còn phải trả tiền lãi theo quy định của Chính phủ.
(còn tiếp)
 
 


Số lượt người xem: 218Bản in Quay lại
Xem theo ngày: